Phát triển nguồn nhân lực: 'Nhúng' nhu cầu của doanh nghiệp vào đào tạo

Theo chuyên gia, cần có cái nhìn đa chiều và khách quan về khoảng cách giữa nội dung đào tạo của nhà trường với thực tế doanh nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Giáo dục tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục tại Hệ thống giáo dục Vinschool. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Giáo dục tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục tại Hệ thống giáo dục Vinschool. Ảnh: Website nhà trường

TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Khoảng cách giữa nội dung đào tạo của nhà trường với thực tế doanh nghiệp là thách thức đối với bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào hiện nay. Tuy nhiên, cần có cái nhìn đa chiều, thực tế và khách quan về khoảng cách này.

Cần cái nhìn đa chiều

- Ông đánh giá thế nào về mức độ đáp ứng của sinh viên ra trường với yêu cầu công việc tại doanh nghiệp hiện nay?

- Có thể nói, vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu hiện nay luôn là định hướng, trăn trở của các trường. Hầu hết đơn vị đang nỗ lực chuyển mình để thực hiện trên mọi phương diện: Đổi mới nội dung, cách thức triển khai chương trình đào tạo, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người học (theo hướng vì sự thành công của người học, tăng cường kết nối cơ hội tạo việc làm, kết nối với đơn vị tuyển dụng…), xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra cụ thể.

Về mức độ đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp cần có cái nhìn đa chiều, thực tế và khách quan. Về lý thuyết, cơ sở giáo dục đại học thực hiện khá nhiều chức năng và hoạt động đa dạng, không phải chỉ là “trung tâm đào tạo nghề” thuần túy. Do đó, có những yếu tố “tĩnh” và “độ trễ” nhất định trong mối quan hệ với những biến động, thay đổi, phát triển không ngừng về đòi hỏi liên quan đến công việc, đặc trưng nghề của các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là doanh nghiệp.

Nhất là trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng hiện nay thì “vòng đời” một chương trình đào tạo sẽ dài hơn rất nhiều so với “vòng đời” của công việc nào đó tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn đặt ra yêu cầu, đặt hàng mới về nguồn nhân lực, trong khi trường đại học thì nguồn lực có hạn…

Cần phân biệt giữa công việc, việc làm, kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo. Các tham số này cần phân tích, đánh giá phù hợp với bối cảnh, yêu cầu cụ thể từng đơn vị tuyển dụng; từ đó đưa ra nhận định chung về mức độ đáp ứng công việc. Ví dụ, doanh nghiệp cần nhân sự làm về thiết kế đồ họa chưa chắc cần đến một cử nhân khoa học máy tính được đào tạo bài bản.

Trong khi đào tạo ở đại học mang tính đại trà, cung cấp nguồn nhân lực theo mặt bằng, hệ thống yêu cầu chung thì một số nhà tuyển dụng, doanh nghiệp lại muốn có những “nhóm tài năng” sau tốt nghiệp để đáp ứng ngay và luôn các yêu cầu công việc đang thay đổi nhanh chóng.

Sự đa dạng trong cơ hội tiếp cận nghề, nâng cao kỹ năng thực hiện công việc (chưa phải nghề) là rất lớn ngay ở trong xã hội cũng trở thành thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là sinh viên. Điều này tạo thêm áp lực cho người học vừa tốt nghiệp với “cựu sinh viên” đã tốt nghiệp một số năm và có cơ hội cập nhật kỹ năng xã hội trong tìm kiếm việc làm.

Thế nên các nhận định càng cần phải đặt vào bối cảnh cụ thể. Ví dụ, có ý kiến, dựa trên một khảo sát nhóm sinh viên tài năng về khả năng đáp ứng công việc, để đưa ra nhận định, đánh giá chung cho toàn “giới” sinh viên tốt nghiệp thì chưa thỏa đáng. Đó là chưa kể đến đây là doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu của đất nước thì đương nhiên các yêu cầu càng phải cao và khắt khe.

Nguồn: giaoducthoidai.vn


Chia sẻ