Khởi nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho Người cao tuổi – Ứng phó tốc độ già hóa tại Việt Nam

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn khởi nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho Người cao tuổi (NCT).

Hội thảo với tính chất gợi mở, giúp các đơn vị, ngành liên quan hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách giúp NCT có được sự chuyển đổi nghề nghiệp. Thông qua các chương trình dạy nghề, khởi nghiệp, tạo ra thế giới việc làm cho NCT, ứng phó với tốc độ hóa dân số cũng như đảm bảo các điều kiện an sinh, hạnh phúc cho NCT tại Việt Nam trong những năm tới đây.


Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại hội thảo.

Đến năm 2030: 70% NCT Việt Nam có nhu cầu việc làm

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bày tỏ lời chúc mừng tới NCT Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT ngày 1/10 với tâm thế: Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và sống có ích.

Ông Dũng cho biết: Xuất phát  từ thực trạng Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo đến năm 2038, nhóm NCT ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo báo cáo tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT năm 2020, phần lớn NCT tại Việt Nam đều trong tình trạng cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng 20% dân số). Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức lương.

Hiện nay, khoảng 70% NCT ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

Trước đó, để hỗ trợ NCT trong các lĩnh vực, từ năm 2021, Bộ LĐTBXH đã trình bày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT, giai đoạn 2021- 2030. Trong đó, cũng đã đề cập đến các nội dung hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT. Cụ thể:

Giai đoạn 2022- 2025: Ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.


Chuyên gia tổ chức ILO chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT.

Giai đoạn 2026- 2030: Ít nhất 70% NCT có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.

Bởi vậy, vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho NCT đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, tác động sau đại dịch Covid- 19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa đảm bảo quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho NCT

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cũng bày tỏ những băn khoăn về cơ chế, chính sách đối với việc hỗ trợ NCT chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho NCT. Theo thống kê, số NCT được hỗ trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm rất ít, do các địa phương không bố trí được ngân sách.

Các chương trình, đề án chưa có nội dung cụ thể về hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho NCT mà chỉ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho NCT, phát huy kinh nghiệm của NCT. Đặc biệt, không có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm. Do đó, việc lồng ghép trong các chương trình, đề án rất hạn chế. Chẳng hạn, khi xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đưa nội dung hỗ trợ NCT vào trong các dự thảo khi thẩm định đều không được chấp thuận vì không có căn cứ pháp lý. Do vậy, chỉ khuyến khích hoặc giao các địa phương tùy điều kiện, khả năng ngân sách để hỗ trợ cho NCT tham gia đào tạo.


Ông Phan Văn Hùng, Phó CHủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam chia sẻ tham luận tại hội thảo.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam có tham luận “ Thực trạng, chính sách khởi nghiệp, dạy nghề, việc làm cho NCT”. Theo đó, ông Hùng đã đề cập tới những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, trong đó có cơ chế, chính sách chưa thực sự rõ ràng, chưa tạo được hành lang pháp lý để NCT có được thuận lợi trong các vấn đề khởi nghiệp.

Dưới góc độ của các chuyên gia nước ngoài đến từ tổ chức ILO, Australia, CHLB Đức đã có chia sẻ kinh nghiệm về các phương thức tổ chức hoạt động, chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề cho NCT. Tại các nước này đã có định hướng và NCT nhận thức từ rất sớm đối với lộ trình thích ứng, chuyển đổi nghề nghiệp khi nghỉ hưu: Có tới trên 50% đối tượng nghỉ hưu mong muốn tiếp tục được làm việc; 25% NCT có nhu cầu được chuyển đổi nghề nghiệp, được tham gia đào tạo thường xuyên để có các kỹ năng khởi nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, điều kiện mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những giải pháp khác nhau. Trong đó, đặc biệt coi trọng đến đào tạo các kỹ năng số, giúp NCT thích ứng với công nghệ thông tin để có thể hòa nhập với sự phát triển của xã hội; sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với đơn vị đào tạo nghề, đào tạo thường xuyên chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT, từ đó tạo môi trường việc làm cho NCT đảm bảo an toàn, phù hợp theo từng độ tuổi… Qua đó, NCT sẽ có cơ hội tìm kiếm được các vị trí việc làm phù hợp, đảm bảo tính xã hội, nhân văn.

Thông qua hội thảo này, Tổng cục GDNN và các đơn vị đồng hành tổ chức hội thảo này với mong muốn: Rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của NCT; Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NCT để áp dụng phù hợp ở Việt Nam; Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho NCT. Đồng thời, rà soát, đánh giá những quy định hiện nay còn bất cập, hạn chế trong việc tư vấn khởi nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho NCT đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Nguồn: gdnn.gov.vn


Chia sẻ