Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023: Bắt đầu áp dụng quy định ưu tiên mới

 

 

 

TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), trả lời câu hỏi của học sinh tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ở La Gi (Bình Thuận) vào ngày 8-1 - Ảnh: DUYÊN PHAN

 

 

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Thủy nói: "Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non giai đoạn trước năm 2025 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện và tốt hơn cho các trường và thí sinh trong quá trình xét tuyển, đảm bảo sự công bằng mà minh bạch trong hệ thống".

Tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của trường

* Những điểm cơ bản thí sinh cần biết khi đăng ký xét tuyển năm nay thế nào? Theo bà, điều gì cần phải đặc biệt lưu ý để tránh việc ảnh hưởng đến quyền lợi và cơ hội xét tuyển của thí sinh?

- Khi xác định được nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký theo hướng dẫn của các cơ sở đào tạo, trong đó đăng ký rõ xét tuyển với phương thức nào. Thí sinh cần nhớ là phải cung cấp đầy đủ các minh chứng phục vụ việc xét tuyển theo yêu cầu của các phương thức xét tuyển. Ví dụ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, bảng điểm học bạ, chứng nhận để ưu tiên khu vực hay đối tượng...

Các cơ sở đào tạo có thể sẽ sàng lọc và công bố danh sách trúng tuyển tạm thời cho thí sinh. Tuy nhiên, phải sau khi thí sinh hoàn thành việc thi tốt nghiệp và có kết quả thi tốt nghiệp THPT, khi hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT mở thì thí sinh mới đăng ký nguyện vọng chính thức trên hệ thống này, bao gồm cả nguyện vọng đã được các cơ sở thông báo trúng tuyển tạm thời, nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT... và sắp xếp các nguyện vọng đó theo thứ tự ưu tiên.

Lúc này, thí sinh cần đặc biệt lưu ý xếp thứ tự nguyện vọng theo ưu tiên của mình từ cao đến thấp. Nguyện vọng nào thí sinh mong muốn học hơn cả thì sẽ phải được xếp lên trước. Vì hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung sẽ lọc ảo để sao cho mỗi tài khoản đăng ký xét tuyển sẽ chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất có thể.

* Vậy có thể chờ tới khi thi tốt nghiệp THPT có kết quả và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung mở mới đăng ký tất cả các nguyện vọng được không?

- Thí sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng vào cơ sở đào tạo nào thì trước hết phải nghiên cứu, tuân thủ hướng dẫn đăng ký xét tuyển của cơ sở đó trước và phải đăng ký xét tuyển đúng thời hạn được cơ sở đó thông báo trong đề án tuyển sinh.

Thường các trường sẽ xem xét trước với các phương thức xét tuyển không liên quan tới kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với các phương thức xét tuyển có liên quan tới kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể đăng ký sau khi có kết quả thi.

Tuy nhiên, việc xét tuyển chính thức vẫn phải được thực hiện sau khi thí sinh nhập thông tin về các nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống và được xét tuyển đồng thời, công bằng giữa các nguyện vọng, với thứ tự ưu tiên các nguyện vọng từ trên xuống dưới.

Khi thí sinh đã được xác nhận trúng tuyển một nguyện vọng thì hệ thống sẽ dừng lại, không để thí sinh tham gia xét tuyển tiếp ở các nguyện vọng xếp sau đó.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy

Rút ngắn thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng

* Nếu không trúng tuyển đợt 1, thí sinh có còn cơ hội khác không?

- Nếu không trúng tuyển đợt 1, thí sinh có thể chờ và cập nhật thông tin xét tuyển ở các đợt tiếp theo trong năm của các cơ sở đào tạo. Nếu sau khi xét tuyển đợt 1 mà vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh, các trường sẽ thông báo và tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển.

Để tạo điều kiện cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT xem xét ban hành kế hoạch tuyển sinh đẩy nhanh các thời hạn, rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1 so với trước để có thể bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9-2023, đồng thời còn thời gian cho các đợt xét tuyển bổ sung, giúp các trường hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trong năm.

* Năm nay có điểm mới nào trong quy định xét tuyển đại học và cao đẳng mầm non không?

- Quy định về cách tính và áp dụng điểm ưu tiên được đưa vào quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022, nhưng có hiệu lực từ năm 2023. Theo đó, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Cũng bắt đầu từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên đối với thí sinh sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT ở mức 22,5 điểm trở lên.

Cụ thể, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo quy định của quy chế.

Và với công thức trên, một học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

* Năm trước, thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo quy định của các cơ sở đào tạo và được cấp một giấy chứng nhận đã trúng tuyển có điều kiện. Vậy "điều kiện" này là gì?

- Thí sinh đăng ký xét tuyển (được hiểu là xét tuyển sớm) theo quy định riêng của các cơ sở đào tạo và có thể được xác nhận trúng tuyển tạm thời hay trúng tuyển có điều kiện. Có trường quy định rõ điều kiện là thí sinh phải đỗ tốt nghiệp THPT hay có kết quả tốt nghiệp THPT đạt mức điểm tối thiểu là bao nhiêu.

Ngoài ra, như nói trên, thí sinh phải chờ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT mở và đăng ký nguyện vọng chính thức, nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống. Nếu thí sinh chọn nguyện vọng 1 vào trường đã có thông báo trúng tuyển tạm thời để đăng ký trên hệ thống thì thí sinh chắc chắn sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng đó.

NGUỒN BÁO TUỔI TRẺ


Chia sẻ