Những lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà sau tiêm phòng

Tiêm phòng là tạo cho cơ thể khả năng đề kháng chống lại các bệnh nguy hiểm bằng cách tiêm hoặc uống kháng nguyên hay vaccine đã được làm giảm độc. Tiêm phòng làm giảm xuống mức thấp nhất gánh nặng bệnh tật, chi phí điều trị y tế và tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, để đảm bảo tiêm phòng được an toàn, hiệu quả, người nhà chăm sóc trẻ cần nắm được một số thông tin quan trọng sau.

Hình minh họa (Nguồn Internet)

Những điều cần lưu ý trước khi tiêm phòng :

- Người chăm sóc cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để thông báo cho bác sĩ khi được khám sàng lọc trước tiêm phòng.

- Khi trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có một trong các biểu hiện bệnh lý thì phải hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ đủ cân nặng, hết sốt hoặc khỏi bệnh.

- Cần báo cho bác sĩ nếu trẻ có các phản ứng nặng sau tiêm ở các lần tiêm phòng trước để sẽ ngưng tiêm các mũi tiếp theo (nếu có)

- Khi đưa trẻ đi tiêm phòng, gia đình trẻ cần mang đủ sổ, phiếu tiêm phòng và thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ theo dõi và phối hợp cùng người nhà đưa ra lịch tiêm phòng hợp lý, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.

- Trẻ được khám sàng lọc và đánh giá toàn diện thể trạng. Căn cứ vào kết quả khám và lịch tiêm phòng, bác sĩ sẽ phối hợp cùng gia đình lựa chọn mũi tiêm tiếp theo.

- Nên tuân thủ lịch tiêm phòng theo lứa tuổi đã được Bộ Y Tế và các chuyên gia khuyến cáo. Tiêm phòng đúng thời điểm giúp tạo miễn dịch hiệu quả cho trẻ, tránh trường hợp mắc bệnh xảy ra nếu chưa kịp tiêm phòng.

Cách chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà sau tiêm phòng:

Sau tiêm phòng cho trẻ ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

Khi về nhà cần tiếp tục theo dõi sau tiêm phòng cho trẻ ít nhất trong vòng 24h sau tiêm các dấu hiệu: Tinh thần, ăn ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm, toàn trạng... Gia đình cần chú ý:

- Luôn bên cạnh trẻ 24/24h, kiểm tra thường xuyên trẻ đặc biệt là về ban đêm.

- Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ tăng cường bú mẹ và uống nước nhiều hơn, cho trẻ ăn đủ bữa, đủ số lượng

- Kiểm tra thân nhiệt nếu trẻ có sốt thì xử trí như sau:

+ Nếu sốt  <38,5 độ C : Chườm trán, nách, bẹn, bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Cho trẻ uống nhiều nước nếu còn bú mẹ cho trẻ bú thường xuyên hơn. Mặc thoáng mát không nên ủ ấm trẻ.

+ Nếu sốt  > 38,5 độ C: Dùng hạ sốt theo đơn của bác sĩ

- Chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Nếu tại chỗ vết tiêm sưng, đỏ có thể chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng cho trẻ. Không xoa dầu, chườm nóng hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng tại chỗ tiêm. Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên  > 2cm, cứng, nóng cần đưa trẻ KHÁM LẠI NGAY.

Tất cả các trường hợp sau tiêm phòng cần đưa trẻ đi KHÁM LẠI NGAY khi:

+ Trẻ co giật, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú

+ Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím

+ sốt cao liên tục  >39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ hoặc sốt cao > 3 ngày.

+ Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và có quầng đỏ kích thước > 2cm

+ Nôn, trớ liên tục đau quặn bụng...

Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, làm giảm nguy cơ tử vong ở người. Việc tiêm phòng nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Vì vậy, vì sức khỏe của con mình bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Sau khi tiêm phòng cần chú ý theo dõi chăm sóc trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: CN điều dưỡng: An Thị P.Thu-Khoa Nhi-BVTWQĐ 108



Chia sẻ