Hậu COVID-19 với tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hội chứng hậu COVID-19 hay tình trạng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition) xảy ra ở những người đã nhiễm COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất, nó còn có thể gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và cho xã hội.

 

Đặc biệt hội chứng hậu COVID-19 có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi bị bệnh nhẹ, ở những người trẻ tuổi, không có các yếu tố nguy cơ khác.

Theo nghiên cứu mới đây, được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngay cả khi hồi phục sau COVID-19 với diễn biến nhẹ, người bệnh vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn đáng kể cho đến một năm sau khi nhiễm bệnh. Bao gồm: rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, huyết khối và các rối loạn chức năng tim khác. Cụ thể, nhiễm COVID-19 làm tăng 63% nguy cơ đau tim, 52% nguy cơ đột quỵ và 72% nguy cơ suy tim trong khoảng thời gian 12 tháng so với những người không mắc bệnh. Đồng thời, làm phức tạp thêm quá trình hồi phục của họ.

Các vấn đề tim mạch có thể gặp là gì?

Cơ chế: các tế bào trong tim có các thụ thể men chuyển angiotensin-2 (ACE-2), đây là nơi Coronavirus SARS-CoV-2 gắn vào trước khi xâm nhập vào tế bào. Do vậy nó có thể làm tổn thương cơ tim và ảnh hưởng đến chức năng tim.

Nhiễm coronavirus cũng ảnh hưởng đến nội mạc mạch máu, gây viêm mạch máu, tổn thương các vi mạch và hình thành cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Ngoài ra tổn thương tim cũng có thể do tình trạng nhiễm trùng nặng trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng chống lại virus, có thể phát sinh quá trình viêm làm phá hủy một số mô, tổ chức bình thường, bao gồm cả tim.

Ảnh hưởng của COVID 19 lên hệ tim mạch

Những triệu chứng báo hiệu có thể có vấn đề về tim mạch hậu COVID-19?

Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất. Ngoài ra, người hồi phục sau mắc COVID-19 có thể biểu hiện khó thở, đau ngực, hồi hộp trống ngực. Tuy nhiên các triệu chứng này không đặc hiệu, có thể liên quan đến rối loạn tim mạch nhưng cũng có thể do các yếu tố khác như hạn chế vận động trong thời gian mắc COVID-19.

Sau khi nhiễm COVID-19, có thể thấy tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực. Triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể bao gồm:

Cảm thấy tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó chịu ở ngực.

Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt, đặc biệt là khi đứng

Những người đang hồi phục sau coronavirus đôi khi xuất hiện các triệu chứng của một tình trạng được gọi là POTS (hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng). Cụ thể, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nhịp tim nhanh khi đứng lên, có thể dẫn đến sương mù não, mệt mỏi, đánh trống ngực, choáng váng và các triệu chứng khác.

Vậy khi nào tôi cần phải đi khám tim mạch sau COVID-19?

Khó thở

Nếu thấy khó thở, kèm độ bão hòa O2 thấp (dưới 92%) thì cần chú ý. Tuy nhiên cũng có khi người bệnh bị hụt hơi khi gắng sức vì đã một thời gian dài không hoạt động thể lực do mắc bệnh.

Đau ngực

Nếu đau ngực dữ dội, đặc biệt đau dai dẳng kèm cảm giác buồn nôn, khó thở hoặc choáng váng: có thể là các triệu chứng của cơn đau tim. Nếu đau ngực khi hít vào, có thể do bị viêm phổi. Còn đau ngực dữ dội, đột ngột có thể là do thuyên tắc phổi.

Suy tim hậu COVID-19

Khá hiếm gặp, nhưng nếu bị khó thở hoặc phù chân thì cần đi khám xem có suy tim không. Các triệu chứng của suy tim bao gồm: Khó thở, đặc biệt khi gắng sức; khó thở khi nằm: mệt mỏi; phù chân, tiểu đêm nhiều,…

Các vấn đề về tim ở trẻ em hậu COVID-19?

Nói chung, trẻ em nhiễm COVID-19 thường không gặp các vấn đề nghiêm trọng như người lớn. Tuy nhiên có một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), gây tổn thương tim nghiêm trọng, sốc tim hoặc tử vong. MIS-C có một số đặc điểm tương tự như bệnh Kawasaki.

Tổn thương tim do COVID-19 có kéo dài vĩnh viễn (không hồi phục) không?

Nếu các triệu chứng là do nguyên nhân tim, việc phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương (chẳng hạn như nhồi máu cơ tim cấp do COVID-19).

Nhiễm COVID-19 có thể làm cho bệnh tim đang mắc trở nên tồi tệ hơn không?

Có thể trầm trọng hơn nếu nhiễm COVID nặng, nhưng trong các trường hợp nhiễm COVID nhẹ hoặc không có triệu chứng thì hầu như không ảnh hưởng.

Các vấn đề về tim có thể xuất hiện sau một thời gian dài đã hồi phục COVID-19 không?

Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng vì SARS-CoV-2 đã bị cô lập vào năm 2019, nhưng phần lớn những người sống sót sau COVID-19 chỉ mới hồi phục được vài tháng. Thật khó để biết chính xác căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào.

Nghiên cứu về các vấn đề tim mạch sau COVID-19

Theo một nghiên cứu của Đức, chụp MRI tim được thực hiện trên 100 người đã nhiễm COVID-19 phát hiện bất thường ở 78 bệnh nhân. Đó là những bằng chứng về sẹo và viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Tuy vậy, nghiên cứu này bị hạn chế do thiếu nhóm so sánh thích hợp. Đồng thời theo các nghiên cứu khác sau đó thì tỷ lệ viêm cơ tim thấp hơn nhiều.

Một nghiên cứu nhỏ khác trên 26 vận động viên mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, có ECG bình thường và nồng độ Troponin bình thường. Cũng tiến hành chụp MRI tim cho 26 vận động viên đó, kết quả cho thấy: bốn trong số họ bị viêm cơ tim, và hai trong số này bị viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên những dữ liệu này phải được xem xét cẩn thận, vì kích thước mẫu nhỏ và không rõ tình trạng tim mạch trước COVID của những người tham gia.

Tác động của coronavirus đối với bệnh tim mạch chưa được biết đến một cách đầy đủ, vì vậy vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu, nghiên cứu về những ảnh hưởng lâu dài đến tim ở những người đã từng bị COVID-19.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Wendy Susan Post (2021) Heart Problems after COVID-19

//www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/coronavirus/heart-problems-after-covid19

2. Ani Nalbandian et al (2021) Post-acute COVID-19 syndrome, Nature Medicine volume 27, pages 601–615

//www.nature.com/articles/s41591-021-01283-z

3. Wolrd Health Organization (2021) Coronavirus disease (COVID-19): Post COVID-19 condition

//www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/coronavirus-disease-(covid-19)-post-covid-19-condition

4. Issa Al-Jahdhami et al, The Post-acute COVID-19 Syndrome (Long COVID) Oman Med J. 2021 Jan; 36(1): e220.

//www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7838343/

Nguồn: Bệnh viện TWQĐ 108

 


Chia sẻ