Điều trị mất ngủ ‘Hậu Covid’ bằng phương pháp vật lý trị liệu

Mất ngủ là một rối loạn thường gặp gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tinh thần và thể trạng của người bệnh. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tỷ lệ người bệnh sau khi mắc Covid có triệu chứng khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ tăng khá cao. Ở Việt Nam, đầu năm 2022 ghi nhận 40% bệnh nhân mắc bệnh có triệu chứng mất ngủ, trong khi trước đó chỉ dừng lại ở mức 24%.

Khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ trong và sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra là kết quả của rất nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan:

- Do căng thẳng, lo lắng về tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình. Có thể đau buồn, mất mát… nhất là những gia đình bị dịch bệnh cướp đi mạng sống của người thân. Từ đó, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ.

- Thói quen ngủ, thói quen sinh hoạt bị thay đổi do liên quan đến giãn cách xã hội, nhịp sinh học của bệnh nhân thay đổi ảnh hưởng đến giấc ngủ.

- Việc sử dụng thuốc điều trị Covid có thể ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ.

- Những triệu chứng khác của hậu covid như ho, khó thở, hụt hơi, đau đầu…. Khiến người bệnh dễ bị tỉnh giấc khi ngủ, không có được một giấc ngủ sâu và chất lượng.

Dù nguyên nhân là gì thì việc khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người bệnh. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tinh thần u uất, làm việc không hiệu quả, giảm chất lượng cuộc sống… thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.

Hiện nay, bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, việc điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu cũng mang lại hiệu quả khả quan. Các phương pháp vật lý trị liệu thường được dùng trong điều trị giấc ngủ như: điều trị bằng từ trường, điện trường cao áp, điện phân, ion tĩnh điện... Các biện pháp vật lý trị liệu này có tác dụng giảm đau, làm lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch, điều hòa hoạt động thần kinh thực vật….

Điều trị khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ bằng những phương pháp vật lý trị liệu là một lựa chọn tốt, có thể giúp bệnh nhân hạn chế được những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc giảm đau, an thần, thuốc chống trầm cảm để điều trị mất ngủ mang lại.

Hình 1: Điều trị mất ngủ bằng từ trường

Hình 2: Điều trị mất ngủ bằng cao áp

Nguồn sưu tầm: BS Phan Thị Lâm Oanh,

KTV Trần Thị Bích Liên, Lê Thu Hường, Nguyễn Viết Thắng

Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108


Chia sẻ