ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC TỔ CHỨC

Công tác tổ chức, cán bộ giữ vị trí trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, trực tiếp tham mưu cho các cấp ủy về tổ chức bộ máy và xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, nhất thiết nhiệm vụ nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ tổ chức xây dựng Đảng phải được đặt lên hàng đầu.

Người làm công tác tổ chức, cán bộ ngoài những tiêu chuẩn cán bộ theo Nghị quyết  Trung ương 3, khóa VIII, còn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách; có quan điểm, chính kiến rõ ràng; có tính quyết đoán đối với công việc; bản thân không tham nhũng, không nhận hối lộ và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý chí khắc phục khó khăn, đứng vững trước những cám dỗ, sức ép trong công việc, bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ tốt; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn đổi mới, không trì trệ, bảo thủ. Trong công việc phải trung thực, khách quan, công tâm, công khai, công bằng, dân chủ, không phân biệt thân sơ, sang hèn, không địa phương cục bộ, không giấu giếm, bao che khuyết điểm hay thổi phồng ưu điểm; không xen tình cảm riêng tư, động cơ cá nhân “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, mà phải xem xét con người với đúng bản chất, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể một cách biện chứng. Không báo cáo, phản ánh tình hình sai sự thật, không lựa chiều theo lối “dĩ hòa vi quý”; khi nhận xét, đánh giá cán bộ không được nói khác những điều mình biết, mình nghĩ và cho là đúng. Những nhận xét, đánh giá về cán bộ phải luôn dựa trên những căn cứ pháp lý, theo tiêu chuẩn cán bộ của Đảng, Nhà nước và căn cứ vào việc làm, hiệu quả công tác. Luôn gần gũi với mọi người, giải quyết công việc trên cơ sở có lý, có tình. Lý là luôn dựa vào những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm thước đo, làm căn cứ để giải quyết mọi công việc. Tình là giải quyết công việc dựa trên cơ sở tình cảm giai cấp, giữa những người đồng chí với nhau, luôn có lòng nhân ái, vị tha, bao dung, không hẹp hòi, thành kiến.

Lý không làm mất tình và tình không làm mờ lý. Phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, biết phân biệt người tốt, kẻ xấu; phải trái phân minh, không khuất tất, mờ ám; phải có sự nhạy cảm nghề nghiệp, có tư duy độc lập, khả năng phân tích, tổng hợp, có vốn sống và kinh nghiệm ứng xử phong phú, tinh tế; kiên trì rèn giũa đức tính thận trọng, tỉ mỉ, chính xác. Phải có tâm và có tài. “Tâm” ở người cán bộ tổ chức chính là đạo đức cách mạng “chí công, vô tư”, ít lòng ham muốn tiền bạc và danh lợi, toan tính cá nhân thiệt hơn. “Tài” ở người cán bộ tổ chức chính là trí tuệ, tầm nhìn xa trông rộng, toàn diện và cụ thể, chọn được người tài, sắp xếp đúng người, đúng việc.
Phải có phương pháp làm việc khoa học, đi sâu phân tích, tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh, điều kiện làm việc, khả năng, nguyện vọng và tâm tư tình cảm của cán bộ. Có thói quen phân tích, so sánh, kiểm tra các thông tin nhận được để tránh nhận xét, đánh giá một cách chủ quan, giản đơn, không phù hợp với thực tế dẫn tới bỏ sót người tốt, để lọt kẻ cơ hội, bố trí, sử dụng không đúng người, vận dụng tiêu chuẩn cán bộ một cách chủ quan, tùy tiện. Có trình độ, kiến thức về khoa học tổ chức, nắm vững nguyên tắc, đồng thời có kinh nghiệm, kỹ năng, thực hiện các quy trình công tác cán bộ. Công tác tổ chức, cán bộ là một khoa học và là một nghệ thuật ứng xử đối với con người, đòi hỏi người cán bộ tổ chức phải được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tổ chức, những kiến thức về tâm lý học, kỹ năng hiểu biết, đánh giá, sử dụng con người, kiến thức quản lý nhà nước.

Người cán bộ tổ chức phải rộng lượng, bao dung và cũng phải là người có tài dùng người. Phải biết xem xét, xử lý đúng mối quan hệ giữa tài và tật, biết làm cho cái tài được phát huy tối đa và hạn chế thấp nhất cái tật trong cán bộ. Phải “dĩ công vi thượng”, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân; trung thực và tận tụy với công việc chung; nói đi đôi với làm, không nói nhiều, làm ít, nói một đằng, làm một nẻo. Bởi hơn bất cứ nghề nghiệp nào, công tác tổ chức, cán bộ là một nghề khó khăn, phức tạp vì đối tượng tác động tới chính là con người, mà mỗi người lại có hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục, văn hóa khác nhau với các mối quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp. Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, coi đó như “cơm ăn, nước uống và rửa mặt hằng ngày”. Có phương pháp phê bình đúng, cụ thể, thiết thực, thân ái, xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, thật sự khách quan, không nghi kỵ, định kiến, cố chấp hoặc sử dụng phê bình như những thủ đoạn để làm mất uy tín của nhau. Thông qua tự phê bình và tiếp thu phê bình thường xuyên từ trên xuống, từ cán bộ và nhân dân sẽ giúp cho người cán bộ tổ chức ngày càng bớt đi khuyết điểm, ưu điểm tăng dần để không ngừng tiến bộ.

Nếu các cấp ủy quan tâm xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ đáp ứng những yêu cầu tiêu chuẩn trên, tin rằng công tác tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp nói chung sẽ có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bùi Bia (Văn phòng Tỉnh ủy)

Sưu tầm


Chia sẻ