Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn

Suy thận mạn là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển mạn tính qua nhiều năm tháng, hậu quả là sự xơ hóa các neuphro chức năng, gây giảm sút từ từ mức lọc cầu thận, thận không còn khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi dẫn đến hàng loạt các biến loạn về lâm sàng và sinh hóa của các cơ quan trong cơ thể. Ba nhóm nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn trên thế giới là (1) đái tháo đường (ĐTĐ), (2) tăng huyết áp (THA), (3) bệnh cầu thận. Suy thận mạn gây ảnh hướng lớn đến sức khỏe người bệnh, là gánh nặng kinh tế lớn đối với y tế và xã hội.

Bệnh nhân suy thận mạn có các hội chứng chuyển hóa gây ảnh hướng đến tình trạng dinh dưỡng như suy dinh dưỡng do thiếu protein- năng lượng, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa canxi, magie, phospho... Ngược lại, chế độ ăn phù hợp giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, qua đó nâng cao hiệu quả của các biện pháp điều trị và giúp bệnh nhân có tiên lượng bệnh tốt hơn.

Nguyên tắc dinh dưỡng chung cho bệnh nhân bệnh thận mạn trước khi điều trị thay thế:

- Đủ năng lượng, hạn chế protein để giảm bớt quá trình giáng hóa protein trong cơ thể, đủ protein tối thiểu cần thiết, đặc biệt là các acid amin thiết yếu.

- Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng.

- Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan và ít phosphat.

- Chế biến hợp khẩu vị.

Nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ (TNTCK):

- Nhu cầu protein cho người bình thường là 0,8 – 1 g/kg/ngày. Đối với bệnh nhân TNTCK thì nhu cầu cao hơn là 1,2 - 1,4 g/kg/ngày theo số lần chạy thận trong tuần, tỷ lệ protein động vật chiếm ≥ 60% nhu cầu, nhằm cân bằng nito cho những ngày không lọc.

- Nhu cầu năng lượng: còn nhiều tranh luận, khuyến nghị năng lượng tối thiểu 30 – 35 kcal/kg/ngày được nhiều tác giả sử dụng cho bệnh nhân TNTCK giai đoạn ổn định.

- Nhu cầu nước và điện giải: nên hạn chế natri so với người bình thường, cụ thể: natri dưới 2000 mg/ngày, kali 2000 – 3000 mg/ngày, nhu cầu nước/ngày = nước tiểu/24h + 500 ml (800 ml cho bệnh nhân lọc màng bụng, trong trường hợp sốt, tăng 10C thì cho bệnh nhân uống thêm 150 ml) .

- Nhu cầu Lipid: 20 – 25% tổng năng lượng, trong đó, acid béo chưa no 1 nối đôi chiếm 1/3 và acid béo no chiếm 1/3 tổng nhu cầu lipid.

- Nhu cầu Glucid: 55 – 65% tổng năng lượng.

- Nhu cầu vitamin: do các vitamin bị mất trong quá trình lọc nên cần cung cấp cả 2 nhóm vitamin như sau: Vitamin tan trong nước: vitamin C: 70 – 75 mg/ngày, vitamin B1: 0,9 – 1,2 mg/ngày, vitamin B2: 1,3 – 1,8 mg/ngày; Vitamin tan trong dầu: vitamin A 500 – 600 µg/ngày, Vitamin D: 500 UI/ngày

- Nhu cầu muối khoáng: calci 500 mg/ngày, Phospho 700 mg/ngày, Sắt 11- 24 mg/ngày.

Lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân suy thận mạn:

Người bệnh không nên:

- Ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, da muối, giò, chả, patê, xúc xích, thịt hộp, cá hộp..Nếu muốn ăn các thực phẩm kể trên, cần kiểm tra lượng muối có trong thực phẩm và được tính toán cụ thể.

- Ăn nhiều các thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều đạm như đậu đỗ vừng, lạc, giá đỗ, rau ngót, rau muống, rau dền.

- Thêm muối (Nước mắm, gia vị, mì chính, muối..) vào khi chế biến và nấu món ăn.

- Uống các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.

Người bệnh nên:

- Đưa nước vào cơ thể hạn chế theo mức độ đào thải của thận, lượng nước đưa vào cơ thể: thông thường bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 500 ml nước

- Ăn nhạt: Khi có phù hoặc cao huyết áp, lượng muối hàng ngày thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chỉ nên ăn tối đa 3g/ngày tương đương với 15 ml nước mắm (trong trường hợp không theo thực đơn cụ thể)

- Nên chọn các ngũ cốc có lượng đạm thấp như miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì tối đa 200g/ngày từ theo mức độ suy thận. Khi suy thận càng nặng thì lượng gạo, mì càng ít hơn

- Nên chọn các loại rau có hàm lượng đạm thấp dưa chuột, bầu, bí, rau cải...

- Nên ăn có mức độ các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật tùy theo mức độ suy thận.

Nguồn: benhvien108.vn


Chia sẻ