Các nguyên nhân viêm gan mạn tính

Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài ít nhất 6 tháng. Viêm gan mạn tính ít gặp hơn nhiều so với viêm gan vi rút cấp tính, nhưng có thể tồn tại trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Ở nhiều người, nó khá nhẹ và không gây tổn thương gan đáng kể. Tuy nhiên, ở một số người, tình trạng viêm tiếp tục làm tổn thương gan từ từ, cuối cùng dẫn đến xơ gan, suy gan và đôi khi là ung thư gan.

(Nguồn internet)

Những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm gan mạn tính là:

- Virus viêm gan C

- Virus viêm gan B

- Gan nhiễm mỡ không do rượu

- Bệnh gan do rượu

- Viêm gan tự miễn

- Viêm gan mạn do thuốc

Vi rút viêm gan C gây ra khoảng 60 đến 70% trường hợp, và ít nhất 75% trường hợp viêm gan C cấp tính trở thành mạn tính. Khoảng 5 đến 10% trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B ở người lớn và khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút viêm gan B trở thành mạn tính, có thể đồng nhiễm vi rút viêm gan D ở bệnh nhân viêm gan B, không có bệnh viêm gan D đơn thuần. Vi rút viêm gan E hiếm khi gây viêm gan mạn tính nhưng ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người đang dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng, những người đang dùng thuốc để điều trị ung thư hoặc những người bị nhiễm HIV. Virus viêm gan A không gây viêm gan mạn tính.

Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu thường xảy ra ở những người có trọng lượng cơ thể dư thừa (béo phì), tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid khiến cơ thể tổng hợp nhiều chất béo hơn, chuyển hóa chất béo chậm hơn. Kết quả là, chất béo tích tụ và sau đó được lưu trữ bên trong các tế bào gan.

Bệnh gan liên quan đến rượu thường xảy ra ở những người uống nhiều rượu trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh gan liên quan đến rượu được đặc trưng bởi gan nhiễm mỡ và tình trạng viêm gan lan rộng có thể dẫn đến chết các tế bào gan dẫn đến xơ gan.

Viêm gan tự miễn do cơ thể sinh ra các kháng thể, tự chống lại các mô của chính mình. Viêm gan tự miễn phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Một số loại thuốc có thể gây ra viêm gan mạn tính, đặc biệt là khi chúng được dùng trong thời gian dài. Chúng bao gồm isoniazid, methyldopa và nitrofurantoin.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, ta có thể gặp những nguyên nhân ít gặp hơn gây viêm gan mạn tính là:

- Viêm đường mật nguyên phát.

- Thiếu alpha-1 antitrypsin (là một rối loạn di truyền, trong đó thiếu hoặc thấp mức độ của enzym alpha-1 antitrypsin làm tổn thương phổi và gan)

- Bệnh Celiac (một bệnh di truyền không dung nạp gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch)

- Hemochromatosis (một rối loạn di truyền khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt)

- Bệnh Wilson ở trẻ em và thanh niên (một rối loạn di truyền hiếm gặp liên quan đến việc giữ đồng bất thường trong gan).

- Rối loạn tuyến giáp.

BS. Nguyễn Văn Tuấn - Khoa A4C- Viện LSCB Truyền nhiễm

Sưu tầm: BTV Khoa Y Dược


Chia sẻ